top of page

Tổng kết dự án "Hỗ trợ mở rộng quy mô điện gió tại Việt Nam"

Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) và Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ), thay mặt Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế CHLB Đức vừa phối hợp tổ chức Lễ tổng kết Dự án "Hỗ trợ mở rộng quy mô điện gió tại Việt Nam”.

Trong khuôn khổ của Dự án, GIZ đã hợp tác chặt chẽ với Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo để nghiên cứu, tư vấn và đề xuất với Chính phủ các cơ chế khuyến khích phát triển lĩnh vực điện gió; nâng cao năng lực cho các chủ đầu tư, công ty tư vấn, ngân hàng thương mại, trường đại học, viện nghiên cứu, các cán bộ ở địa phương và trung ương; hỗ trợ các nhà đầu tư, tăng cường các điều kiện về khung pháp lý và quy định.


Ông Nguyễn Văn Thành - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) phát biểu tại buổi Lễ.
Ông Nguyễn Văn Thành - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) phát biểu tại buổi Lễ.

Đồng thời, Dự án đã thực hiện các khóa đào tạo về kỹ thuật và tài chính cho cán bộ nhà nước và khối tư nhân, hỗ trợ hợp tác nghiên cứu Việt - Đức về năng lượng gió trong giai đoạn từ 2014 đến 2018, trong khuôn khổ "Sáng kiến công nghệ Khí hậu Đức".

Một thành công lớn của Dự án là góp phần tư vấn Chính phủ Việt Nam thông qua quyết định về tăng giá điện gió vào tháng 9/2018.

Ông Nguyễn Văn Thành - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết: Việt Nam đã chuyển từ nước xuất khẩu thành nước nhập khẩu tịnh về năng lượng và mức độ phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu ngày một tăng. Việc giải quyết thiếu hụt về năng lượng sơ cấp, đặc biệt đối với than nhập khẩu từ nước ngoài gặp nhiều khó khăn và tiềm ẩn rủi ro về nguồn cung, giá và công tác vận chuyển.

“Chính vì vậy, việc khai thác và sử dụng hiệu quả, hợp lý các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo có ý nghĩa hết sức quan trọng và mang tính chiến lược xét trên mọi khía cạnh cả về kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, an ninh năng lượng và phát triển bền vững của đất nước", ông Thành nhấn mạnh.

Ông Thành khẳng định, những hoạt động hỗ trợ của Chính phủ Đức thông qua Dự án này đã góp phần không nhỏ giúp Việt Nam sớm hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững, nhất là hoàn thành các cam kết quốc tế, như: Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đối khí hậu, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu... Đến nay, Dự án đã được triển khai thành công và hiệu quả.

Ông Martin Hoppe, Trưởng Phòng Hợp tác và Phát triển Kinh tế (Đại sứ quán Đức) cho biết: Năm 2013, Chính phủ hai nước đã thống nhất ưu tiên hợp tác phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió. Hiện tại, sau 5 năm triển khai, có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đang có ý định đầu tư vào điện mặt trời và điện gió tại Việt Nam. Dự án đã đóng vai trò quan trọng và là chất xúc tác trong việc thúc đẩy các nhà đầu tư đó vào Việt Nam.

Việt Nam nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa và có hơn 3.000 km đường bờ biển bao quanh, với tiềm năng lý thuyết điện gió trên cả nước ước đạt 27 GW, Việt Nam được coi là quốc gia giàu tiềm năng để phát triển điện gió.

bottom of page