top of page
BÀI BÁO TẠP CHÍ DẦU KHÍ
1.JPG

TS. Lê Mạnh Hùng

Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Email: hunglm@pvn.vn

TỐI ƯU HÓA VẬN HÀNH SẢN XUẤT, NÂNG CAO HIỆU QUẢ SẢN XUẤT KINH DOANH TẠI CÁC NHÀ MÁY CHẾ BIẾN DẦU KHÍ CỦA TẬP ĐOÀN DẦU KHÍ VIỆT NAM

Tái cấu trúc gắn với (i) Đổi mới quản trị; (ii) Đẩy mạnh công tác phát triển thị trường; (iii) Tập trung nghiên cứu phát triển và tối ưu hóa sản xuất là 3 định hướng, chỉ đạo quan trọng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nhằm nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh cho lĩnh vực chế biến dầu khí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong thời gian qua. Việc triển khai các giải pháp, định hướng trụ cột trên đã mang lại kết quả tích cực cho lĩnh vực chế biến dầu khí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thể hiện ở các chỉ số: doanh thu; lợi nhuận; an toàn - ổn định; công suất, năng suất - hiệu suất; quy mô và tăng trưởng đều đạt vượt so với kế hoạch hàng năm và kế hoạch 5 năm. Bài báo đề cập đến công tác tối ưu hóa vận hành sản xuất góp phần nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh cho các nhà máy chế biến dầu khí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Từ khóa: Đổi mới quản trị, phát triển thị trường, tối ưu hóa sản xuất, chế biến dầu khí.

Nguyễn Minh Quý1, Ngô Hữu Hải2, Đặng Anh Tuấn2, Trần Vũ Tùng2

Hoàng Long1, Phạm Trường Giang1, Lê Thị Thu Hường1

1Viện Dầu khí Việt Nam

2Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông Email: quynm@vpi.pvn.vn

2.JPG

NGHIÊN CỨU ĐÁNH GIÁ CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG VÀ DỰ BÁO QUÁ TRÌNH NGƯNG TỤ LỎNG XẢY RA TRONG GIẾNG KHAI THÁC Ở MỎ KHÍ CONDENSATE

Hiện tượng ngưng tụ lỏng trong giếng là nguyên nhân chính gây ra tình trạng suy giảm sản lượng ở các mỏ khí condensate, đặc biệt là trong giai đoạn khai thác cuối. Hiện tượng này chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: các thông số thủy động lực học, cơ chế dòng chảy, quỹ đạo giếng, thành phần chất lưu vỉa hoặc sự thay đổi lưu lượng trong quá trình điều hành khai thác.

Bài báo phân tích các yếu tố chính ảnh hưởng đến quá trình ngưng tụ lỏng và cơ chế chảy ngược tích tụ đáy giếng khai thác từ các nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của áp suất vùng cận đáy giếng, quỹ đạo giếng khoan, thành phần chất lưu vỉa, áp suất đáy giếng, áp suất miệng giếng, tổn hao nhiệt độ - áp suất theo thân giếng khai thác, cơ chế dòng chảy, lưu lượng khai thác.

Kết quả nghiên cứu mô hình mô phỏng thủy động lực học dòng chảy đa pha trong giếng W-3P cho thấy nếu lưu lượng khí khai thác giảm < 800 nghìn ft3/ngày thì khả năng xảy ra hiện tượng ngưng tụ lỏng và nguy cơ dừng khai thác rất cao. Đây là cơ sở giúp nhà điều hành triển khai các giải pháp giúp ngăn ngừa hiện tượng ngưng tụ lỏng trong giếng, có thể thiết kế tối ưu các giếng khai thác với quỹ đạo giếng, đường kính giếng phù hợp.

Từ khóa: Ngưng tụ lỏng, vận tốc tới hạn, dòng chảy trong giếng khí, tối ưu khai thác.

Mai Hoàng Đảm, Nguyễn Tấn Triệu, Vũ Tuấn Dũng, Phạm Thị Duyên, Nguyễn Thanh Tuyến

Viện Dầu khí Việt Nam

Email: dammh@vpi.pvn.vn

3.JPG

NGHIÊN CỨU SINH ĐỊA TẦNG VÀ NHẬN ĐỊNH VỀ TẬP TRẦM TÍCH BH5.2 Ở KHU VỰC TRŨNG TÂY BẠCH HỔ, BỂ CỬU LONG

Việc xác định tuổi của tập trầm tích BH5.2 thuộc khu vực trũng Tây Bạch Hổ, bể Cửu Long đến nay vẫn tồn tại một số quan điểm chưa thống nhất. Kết quả tổng hợp địa tầng của các công ty dầu khí cho thấy tập trầm tích BH5.2 được xếp vào đáy của hệ tầng Bạch Hổ tuổi Miocene sớm. Tuy nhiên theo kết quả phân tích cổ sinh, tổ hợp hóa thạch định tầng xác định tuổi Oligocene được tìm thấy trong tập trầm tích BH5.2 ở trũng Tây Bạch Hổ với tần suất rất cao, liên tục trong các mẫu với bề dày tập trầm tích lớn. Nhiều tài liệu địa chấn, địa vật lý giếng khoan và thạch học cũng thể hiện sự thay đổi trên nóc của tập trầm tích BH5.2.

Bài báo giới thiệu kết quả nghiên cứu sinh địa tầng và các minh chứng liên quan, đồng thời đưa ra nhận định về sự hình thành của tập trầm tích BH5.2 ở khu vực trũng Tây Bạch Hổ.

Từ khóa: Tập trầm tích BH5.2, tảo nước ngọt, hóa thạch chỉ đạo, địa tầng, bể Cửu Long.

Hoàng Thanh Tùng1, Nguyễn Phạm Huy Cường2, Trần Hồng Nam3

Lê Quang Duyến4, Đào Thị Uyên4

1Tổng công ty CP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling)

2Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (Bien Dong POC)

3Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP)

4Đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội Email: tunght@pvdrilling.com.vn

4.JPG

THIẾT KẾ TỐI ƯU HÓA BỘ KHOAN CỤ MỞ RỘNG THÀNH GIẾNG TRONG QUÁ TRÌNH KHOAN CHO GIẾNG KHOAN MỎ HẢI THẠCH, BỂ NAM CÔN SƠN

Theo thiết kế được phê duyệt trong chương trình khoan của giếng khoan mỏ Hải Thạch, đoạn thân giếng phía dưới cấp ống chống lửng 16” (đường kính trong 14,85”) sẽ được thi công bằng 2 bộ khoan cụ dẫn tới gia tăng thời gian và chi phí gồm: khoan đoạn giếng dẫn hướng 12,25” bằng choòng khoan PDC đến chiều sâu thiết kế và sử dụng thiết bị mở rộng thành giếng để mở rộng đoạn giếng dẫn hướng lên 14,5” và 16,5” để thả ống chống 13,625”.

Bài báo giới thiệu nghiên cứu, tính toán thiết kế tối ưu hóa bộ khoan cụ vừa mở rộng đoạn thân giếng như thiết kế đồng thời giảm thiểu thời gian kéo thả qua đó nâng cao hiệu quả kinh tế kỹ thuật thi công giếng khoan. Thiết kế này được đưa vào thử nghiệm sau khi chứng minh hiệu quả về mặt lý thuyết. Kết quả áp dụng thiết kế tối ưu hóa bộ khoan cụ mở rộng thân giếng trong quá trình khoan tại giếng khoan mỏ Hải Thạch đã đem lại hiệu quả thiết thực, mở ra hướng ứng dụng mới trong tương lai cho các mỏ có cùng cấu trúc giếng và điều kiện địa chất tương tự tại Việt Nam.

Từ khóa: Tối ưu hóa, bộ khoan cụ, mỏ Hải Thạch.

Nguyễn Thị Lê Hiền, Phan Trọng Hiếu, Phạm Vũ Dũng, Ngô Ngọc Thương, Phạm Thị Hường Viện Dầu khí Việt Nam

Email: hienntl@vpi.pvn.vn

NGHIÊN CỨU, HOÀN THIỆN CÔNG NGHỆ VÀ QUY TRÌNH CHẾ TẠO ANODE HY SINH HỢP KIM KẼM ĐẠT TIÊU CHUẨN CHẤT LƯỢNG QUỐC TẾ

Với nhiệt độ đúc 450oC, sử dụng lò cảm ứng trung tần và làm nguội tự nhiên, anode hy sinh trên cơ sở hợp kim kẽm được tạo ra bằng phương pháp đúc có chất lượng tốt, độ đồng nhất cao và chất lượng ổn định. Dung lượng điện hóa của anode đều trên 780Ah/kg và điện thế âm hơn -1,0V so với điện cực Ag/AgCl. Các đặc tính điện hóa (điện thế, dung lượng), thành phần hợp kim, đều thỏa mãn các yêu cầu khắt khe nhất đối với sản phẩm anode hy sinh hợp kim kẽm và đã nhận được chứng nhận của cơ quan kiểm định quốc tế DNV-GL cho dung lượng điện hóa của sản phẩm và chứng nhận đạt tiêu chuẩn ISO 9001-2015 do Trung tâm Chứng nhận phù hợp Quacert cấp cho quy trình sản xuất sản phẩm anode hy sinh của Viện Dầu khí Việt Nam.

Từ khóa: Anode hy sinh hợp kim kẽm, dung lượng điện hóa, chống ăn mòn, VPI.

5.JPG

Nguyễn Hồng Minh, Phạm Kiều Quang, Hoàng Thị Đào, Nguyễn Thị Thanh Lê

Viện Dầu khí Việt Nam

Email: nguyenhongminh@vpi.pvn.vn

QUẢN TRỊ RỦI RO TRONG LĨNH VỰC THĂM DÒ, KHAI THÁC DẦU KHÍ: MỘT SỐ PHÂN TÍCH VÀ ĐỀ XUẤTNGHIÊN CỨU, HOÀN THIỆN CÔNG NGHỆ VÀ QUY TRÌNH CHẾ TẠO ANODE HY SINH HỢP KIM KẼM ĐẠT TIÊU CHUẨN CHẤT LƯỢNG QUỐC TẾ

6.JPG

Quản trị rủi ro trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí được xem xét dưới 2 góc độ: hệ thống quản trị rủi ro của doanh nghiệp và phương pháp tiếp cận, công cụ, kỹ thuật khi quản lý rủi ro một dự án cụ thể. Khi nghiên cứu đánh giá hệ thống, nhóm tác giả sử dụng Mô hình đánh giá mức độ phát triển năng lực quản trị rủi ro của Deloitte. Khi nghiên cứu quản lý dự án, Phương pháp tiếp cận “xác định” (deterministic) trong tương quan so sánh với Phương pháp tiếp cận “xác suất” (probabilistic) và các công cụ kèm theo được dùng để phân tích, đánh giá. Thông tin đầu vào là kết quả khảo sát tại một số đơn vị, phỏng vấn và quan sát, phân tích tài liệu liên quan trong quá trình ra quyết định cho các dự án thăm dò, khai thác dầu khí. Trên cơ sở đó, nhóm tác giả đề xuất một số định hướng để Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) hoàn thiện công tác quản trị rủi ro đối với các dự án thăm dò, khai thác dầu khí.

Từ khóa: Mô hình đánh giá mức độ phát triển năng lực quản trị rủi ro, Phương pháp tiếp cận “xác định”, Phương pháp tiếp cận “xác suất”, mô phỏng rủi ro.

bottom of page