top of page

Chúc mừng Nghiên cứu sinh Phạm Bảo Ngọc bảo vệ thành công Luận án tiến sĩ cấp Viện

Sau hơn 5 năm nỗ lực nghiên cứu và học tập, chiều ngày 29/01/2019, tại Viện Dầu khí Việt Nam, NCS Phạm Bảo Ngọc đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ của mình trước Hội đồng đánh giá cấp Viện. NCS Phạm Bảo Ngọc – hiện là giảng viên Khoa Dầu khí, Trường Đại học Dầu khí, được công nhận nghiên cứu sinh của Viện Dầu khí Việt Nam từ ngày 19/9/2013. Tập thể người hướng dẫn khoa học gồm GS. TS. NGND. Trần Nghi và PGS.TS. Nguyễn Trọng Tín.

NCS Phạm Bảo Ngọc trả lời các câu hỏi cảu Hội đồng đánh giá
NCS Phạm Bảo Ngọc trả lời các câu hỏi cảu Hội đồng đánh giá

Luận án “Nghiên cứu tiến hóa môi trường trầm tích và ý nghĩa dầu khí trầm tích Miocen giữa, khu vực trung tâm Bể Nam Côn Sơn” đã được 7/7 thành viên Hội đồng đồng ý thông qua và đề nghị Viện Dầu khí Việt Nam công nhận trình độ và cấp bằng tiến sĩ cho NCS. Viện Dầu khí Việt Nam đã mời các nhà khoa học có uy tín từ các Viện nghiên cứu về khoa học trái đất, từ Trường đại học,...cùng các nhà khoa học của Viện tham gia Hội đồng đánh giá, trong đó GS.TS. Trần Văn Trị là Chủ tịch Hội đồng, PGS.TSKH. Nguyễn Địch Dỹ, PGS.TS. Đinh Xuân Thành, PGS.TS. Hoàng Văn Long là các Ủy viên phản biện cùng các Ủy viên là PGS.TS. Phạm Huy Tiến, TS. Nguyễn Thanh Tùng; TS. Bùi Việt Dũng là Thư ký.


Các thành viên Hội đồng đánh giá
Các thành viên Hội đồng đánh giá

Các điểm mới của luận án (trích Nghị quyết của Hội đồng đánh giá):

1. Luận án đã làm sáng tỏ nhóm đá trầm tích hỗn hợp (cát kết chứa vôi, bột sét kết chứa vôi, đá vôi chứa cát), đặc trưng cho môi trường vũng vịnh thuộc miền hệ thống trầm tích biển tiến (TST) trong khu vực nghiên cứu.

2. Nghiên cứu đặc điểm thạch học của trầm tích Miocen giữa, khu vực nghiên cứu tiếp cận theo phương pháp định lượng, cụ thể là phân tích các tham số trầm tích như kích thước trung bình của các cấp hạt (Md), hệ số chọn lọc (So), hệ số mài tròn (Ro), hệ số thạch anh (Q), hệ số nền xi măng gắn kết (Li), hệ số kiến trúc (Co) và hệ số biến đổi thứ sinh (I). Đặc biệt, đã áp dụng thành công phép phân tích tương quan để xác định mối quan hệ phụ thuộc giữa độ rỗng hiệu dụng (Me) với các tham số trầm tích nói trên. Trên cơ sở phân tích tương quan đã phân loại chất lượng chứa thành 3 nhóm.

3. Xác định được môi trường lắng đọng trầm tích Miocen giữa ở khu vực nghiên cứu gồm hai nhóm môi trường trầm tích cộng sinh với nhau theo không gian từ ven rìa ra trung tâm bể như sau: (1) môi trường châu thổ (môi trường cửa sông, môi trường tiền châu thổ và sườn châu thổ), và (2) môi trường biển nông, vũng vịnh.

4. Luận án đã tích hợp được đặc điểm cộng sinh tướng và ba miền hệ thống trầm tích biển thấp (LST), miền hệ thống trầm tích biển tiến (TST) và miền hệ thống trầm tích biển cao (HST).

Các kết quả nghiên cứu chính của luận án đã được công bố trong 3 công trình khoa học gồm: 1 bài báo khoa học tại Indonesian Journal on Geoscience - Một tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI - Scopus (nhóm Q4, link tham khảo https://ijog.geologi.esdm.go.id/index.php/IJOG/article/view/387), 2 bài tại Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội: Các Khoa học Trái đất và Môi trường (https://js.vnu.edu.vn/EES/article/view/4066https://js.vnu.edu.vn/EES/article/view/4054 .

Phạm Bảo Ngọc là người đầu tiên trong số các NCS của Viện hoàn thành Chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ chuyên ngành Kỹ thuật Dầu khí của Viện Dầu khí Việt Nam. Sự kiện này đánh dấu một mốc quan trọng trong công tác đào tạo sau đại học sau hơn 40 năm hình thành và phát triển của Viện.

Sau đây là một số hình ảnh khác tại buổi bảo vệ:


TS. Nguyễn Anh Đức,Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam chúc mừng nghiên cứu sinh
TS. Nguyễn Anh Đức,Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam chúc mừng nghiên cứu sinh

 TS. Nguyễn Văn Hùng, đại diện PVU, chúc mừng nghiên cứu sinh
TS. Nguyễn Văn Hùng, đại diện PVU, chúc mừng nghiên cứu sinh


 Hội đồng đánh giá luận án và nghiên cứu sinh sau buổi bảo vệ
Hội đồng đánh giá luận án và nghiên cứu sinh sau buổi bảo vệ

bottom of page