top of page

Chuyên đề “Petrophysics of Fractured Granite Basement Reservoir”của EAGE 2015 tai Viện Dầu khí Việt

Được sự hỗ trợ của Hiệp hội các nhà Địa chất và Kỹ sư Châu Âu (EAGE), Viện Dầu khí Việt Nam đã giao cho Trung tâm Đào tạo và Thông tin Dầu khí (CPTI) tổ chức chuyên đề “Petrophysics of Fractured Granite Basement Reservoir”, ngày 02/4/2015, tại Hà Nội.



PGS.TS. Phạm Huy Giao giảng bài tại lớp học.

Đến tham dự chuyên đề các nghiên cứu sinh ngành Kỹ thuật Dầu khí của Viện Dầu khí Việt Nam, các kỹ sư địa chất, địa vật lý, công nghệ mỏ, khoan, khai thác của Trung tâm Nghiên cứu Tìm kiếm Thăm dò và Khai thác Dầu khí, Ban Khoa học Chiến lược, Ban Công nghệ Thông tin, ngoài ra còn có các sinh viên của Trường Đại học Mỏ-Địa chất Hà Nội, cán bộ kỹ thuật thuộc Ban Khai thác, Ban Đào tạo và Phát triển Nhân lực của Tập đoàn Dầu khí. PVT. TS. Nguyễn Hữu Trung và TS. Nguyễn Hồng Minh cũng tham dự và tham gia trao đổi với lớp học.

Chuyên đề được PGS.TS. Phạm Huy Giao với nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu về đối tượng đá móng granit, trình bày. PGS. TS. Phạm Huy Giao hiện là điều phối và giảng viên của chương trình Địa thăm dò và Địa công nghệ Dầu khí (Geo-exploration and Petroleum Geoengineering-GEPG), của Học viện Công nghệ Châu Á (AIT). TS. Giao quan tâm nghiên cứu và đã công bố nhiều công trình về phương pháp tính, mô hình hóa, địa vật lý thăm dò, minh giải địa vật lý giếng khoan, vật lý thạch học…

Chuyên đề được chia làm hai phần chính: Phần I giới thiệu về những đặc điểm địa chất, sự hình thành, phá hủy, nứt nẻ,…trong đá granit; Phần II: Giới thiệu chi tiết các tính chất và các phương pháp địa chất, địa vật lý để phân tích đặc điểm vật lý thạch học của đá móng nứt nẻ granit. Song song với bài giảng, giảng viên còn chia sẻ những kinh nghiệm nghiên cứu của mình về đối tượng đá móng granit nứt nẻ chứa dầu tại các khu vực trên thế giới. Một số vấn đề đã được nêu lên mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới và nhận được đông đảo sự quan tâm từ các sinh viên và cán bộ trẻ như: Sự tương đồng và khác nhau giữa đá móng nứt nẻ và đá chứa carbonat?; Mô hình hóa 3D đối tượng đá móng? Tính chất bất đẳng hướng của đá móng? Mối quan hệ giữa độ rỗng và độ thấm trong đá móng? Các thông số đưa vào tính toán độ rỗng, độ bão hòa,… từ tài liệu địa vật lý giếng khoan?

Sau phần bài giảng, phần thảo luận đã diễn ra sôi nổi với nhiều câu hỏi đến từ học viên, PGS.TS. Phạm Huy Giao đã nhiệt tình trả lời, giải đáp và gợi mở ra những hướng nghiên cứu đồng thời chia sẻ với học viên kinh nghiệm sau nhiều năm công tác của mình trong lĩnh vực nghiên cứu đối tượng đá móng granit. Mặc dù với thời lượng ngắn nhưng những kiến thức và kinh nghiệm được truyền đạt thông qua bài giảng và thảo luận trong chuyên đề giảng dạy đã được các cán bộ của Viện và sinh viên đánh giá cao. Sau đây là một số hình ảnh của lớp học.



TS. Nguyễn Hữu Trung – chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm nghiên cứu về đá móng nứt nẻ với lớp học.



TS. Nguyễn Hồng Minh – cảm ơn và trao quà lưu niệm cho PGS.TS. Phạm Huy Giao



Các cán bộ và sinh viên tham dự chụp ảnh lưu niệm với PGS. TS. Phạm Huy Giao

Tin&bài: Trung tâm CPTI

bottom of page